ĐĂNG KÝ

Cập nhật sẽ được gửi tới email bạn

Translate

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Các biện pháp điều trị và phục hồi chức năng

       Hôm nay mình sẽ đưa ra một số các biện pháp điều trị và phục hồi chức năng cho các bố mẹ có con không may bị bại não nha.
      Điều trị bại não cần có sự phối hợp của nhiều chuyên ngành khác nhau, cùng phối hợp với trẻ và gia đình nhằm vạch ra được một kế hoạch cụ thể thích hợp cho từng cá nhân. Điều trị bại não nhằm giúp trẻ đạt được khả năng trí tuệ cũng như vận động tối đa có thể có chứ không thể lấy lại được những khả năng đã mất để thành một đứa trẻ hoàn toàn bình thường. Nếu điều trị được thực hiện sớm và có sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên ngành, đặc biệt là sự tham gia của gia đình thì kết quả rất khả quan. Các biện pháp cần được áp dụng:
1. Vật lí‎ trị liệu
Các biện pháp điều trị và phục hồi chức năng

Trẻ thường được bắt đầu bằng vật lý trị liệu ngay sau khi được chẩn đoán. Điều trị này làm tăng kỹ năng vận động của trẻ như ngồi, đi, cải thiện cơ lực và phòng ngừa sự co kéo biến dạng cơ (cơ bị co rút có thể giới hạn vận động của các khớp).
Đôi khi trẻ cần được sử dụng các dụng cụ như nẹp, máng hoặc bó bột để ngừa co rút cơ và cải thiện chức năng của chân và tay. Nếu tình trạng co rút cơ quá nặng, trẻ cần được phẫu thuật chỉnh hình để làm dài cơ bị bệnh.
Oxy cao áp là biện pháp được khuyến cáo áp dụng cho trẻ bại não. Oxy cao áp giúp cải thiện triệu chứng vận động, ý thức trong nhiều trường hợp.
2. Sử dụng thuốc
Đôi khi cần dùng một số thuốc nhằm làm giảm bớt mức độ co cứng của cơ và làm giảm các cử động bất thường. Tuy nhiên các thuốc đường uống hiện nay không có tác dụng đáng kể.
Có thể tiêm trực tiếp Botox (botulinum toxin) vào các cơ co rút có thể giúp cải thiện triệu chứng, tác dụng có thể kéo dài vài tháng (trong thời gian này việc phục hồi chức năng thực hiện dễ dàng hơn).
Một loại thuốc khác cũng chứng tỏ tác dụng tốt đối với các trường hợp liệt cứng mức độ vừa đến nặng. Thuốc này có tác dụng chống co cơ có tên là baclofen. Để đưa thuốc vào bệnh nhân, người ta phải phẫu thuật để đưa vào dưới da một bơm tiêm, thông qua đó thuốc được bơm liên tục.
3. Phẫu thuật
Đối với một số trẻ có tình trạng co cứng hai chi dưới nặng nề, phẫu thuật cắt bỏ chọn lọc một số nhánh thần kinh ở lưng chi phối hoạt động chi có thể làm giảm vĩnh viễn tình trạng co cứng cũng như cải thiện khả năng vận động như ngồi, đứng, đi. Phẫu thuật này thường tiến hành khi trẻ được 2 đến 7 tuổi.
4. Phục hồi chức năng
Đây là biện pháp quan trọng nhất, giúp trẻ có thể vận động được, thực hiện được các công việc tự phục vụ. Đối với trường hợp nặng, tập luyện cho trẻ nhằm mục đích thực hiện được các thao tác quan trọng nhất trong cuộc sống hằng ngày như ăn, mặc, vệ sinh cá nhân. Những trường hợp nhẹ hơn, tập luyện và điều trị có thể hướng đến mục tiêu cao hơn như giao tiếp, vui chơi, và cả học tập nữa.
Điều quan trọng quyết định sự thành công của điều trị là vai trò của bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ. Nếu như chúng ta tin tưởng, quyết tâm và có những kiến thức cơ bản cũng như kỹ năng thực hành thì đứa trẻ có nhiều khả năng đạt được những tiến bộ lớn nhằm giảm sự lệ thuộc của trẻ vào người khác, đảm bảo cho trẻ một cuộc sống gần với bình thường. Phục hồi chức năng cho trẻ bại não cần toàn diện, bao gồm các biện pháp:
- Vận động trị liệu: Sử dụng các bài tập vận động tùy theo thể bệnh để giúp trẻ giảm các mẫu vận động bất thường, tăng khả năng vận động bình thường.
- Hoạt động trị liệu: Sử dụng các bài tập hoạt động trị liệu, các trò chơi giúp trẻ có thể thực hiện được các hoạt động theo sự phát triển của lứa tuổi.
- Ngôn ngữ trị liệu: Giúp trẻ kiểm soát các cơ của lưỡi, hàm, tập phát âm được. Ngôn ngữ trị liệu cần được tiến hành trước tuổi trẻ đến trường và tiếp tục trong suốt thời gian đi học.
- Chăm sóc: Trẻ nhỏ cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, cung cấp đủ dinh dưỡng, đủ ánh sáng, được giao tiếp với các trẻ khác và người lớn.
- Giáo dục hướng nghiệp: Đối với trẻ đã lớn, mức độ bại não nhẹ, việc giáo dục hướng nghiệp giúp cho trẻ có thể độc lập và hòa nhập với gia đình và xã hội.
*** Các biện pháp phục hồi chức năng
Nếu được điều trị, phần lớn trẻ em bại não có thể cải thiện đáng kể được những khả năng của mình. Mặc dù các triệu chứng có thể thay đổi theo thời gian nhưng theo như định nghĩa thì bại não là một căn bệnh không tiến triển, vì thế nếu người bệnh càng ngày càng yếu đi thì nguyên nhân có thể là do một vấn đề nào khác chứ không phải là do bại não.
1. Nguyên tắc phục hồi chức năng
- Cần phải tiến hành sớm với sự tham gia của người thân bệnh nhân để việc điều trị được liên tục.
- Có nhiều phương pháp được đề xuất, nhưng dù phương pháp nào cũng phải có một chương trình đầy đủ bao gồm: phục hồi các rối loạn vận động như làm bớt co cứng, múa vờn hay rối loạn trương lực cơ, tập luyện khả năng điều khiển tự chủ, điều trị các rối loạn thính giác, thị giác, động kinh nếu có.
- Tập luyện chức năng cho trẻ bại não có đặc điểm là trẻ chưa hề biết những động tác mà kỹ thuật viên tập cho trẻ, nên cần tiến hành theo trình tự phát triển vận động của trẻ bình thường.
2. Phục hồi chức năng thể co cứng
- Mục tiêu:
+ Ngăn ngừa biến dạng co rút.
+ Giảm co cứng và tập luyện cơ.
+ Tập luyện chức năng và sinh hoạt.
- Phương pháp:
+ Vận động thụ động, kéo giãn, tư thế và dụng cụ chỉnh hình như nẹp, máng, để ngăn ngừa co rút.
+ Tạo thư giãn để giảm co cứng bằng vận động thụ động nhịp nhàng chậm hoặc bằng kỹ thuật ức chế Bobath. Sau đó tập cử động điều hợp từng khớp và nhiều khớp khi đã có tiến bộ.
+ Tập luyện những chức năng của đời sống hàng ngày theo trình tự phát triển bình thường: lật, trườn, bò, quỳ, đứng và đi. Tuỳ từng trường hợp của trẻ được tập đi nạng hoặc sử dụng xe lăn. Đối với chi trên, tập các cử động đơn giản như nắm và buông trước khi tập các động tác phức tạp dùng vào việc ăn uống, tắm rửa, thay quần áo.
+ Hoạt động trị liệu dưới hình thức trò chơi được áp dụng để cải thiện chức năng của chi trên cũng như chi dưới.
3. Thể múa vờn
- Mục tiêu:
+ Tập luyện cử động hữa hiệu và điều hợp.
+ Tập chức năng sinh hoạt.
- Phương pháp:
+ Muốn tạo được cử động có điều hợp, bước đầu cần hạn chế cử động ở các chi và tay hay chân cử động ở một khớp mà thôi.
+ Chi trên bất động ở khớp vai và chỉ cho trẻ cử động gập duỗi khớp khuỷu. Khi đứa trẻ đã gập duỗi khớp khuỷu có điều hợp mới cho tập cử động vai.
+ Ở chi dưới, dùng nẹp chân dài để hạn chế cử động ở đầu gối và tập đi với nạng mà đầu được gắn thêm một miếng chì cho vững chắc.
4. Thể thất điều - mất điều hợp
Bại não thể không điều hợp thường do tổn thương tiểu não. Nguyên tắc tập luyện là kiên nhẫn lặp đi lặp lại nhiều lần những cử động thường dùng trong sinh hoạt hàng ngày cho đến khi đạt sự điều hợp.
a. Đối với trẻ nhỏ
- Đặt đúng tư thế khi nằm: chống lại tư thế co cứng.
+ Nếu trẻ nằm hai chân duỗi chéo nhau thì có thể dùng khố đóng để tách ra hoặc cố định 2 chân.
+ Nếu trẻ thường ưỡn người ra sau, nên đặt nằm nghiêng, nằm võng hoặc trên thùng phi.
+ Nếu trẻ không ngẩng đầu hoặc nhấc tay ra được: đặt trẻ ở tư thế chống 2 tay.
+ Nằm ngửa không tốt đối với trẻ bại não.
- Tư thế khi ngồi:
+ Nếu 2 chân trẻ bắt chéo vào nhau và xoay vào trong, khớp vai sệ xuống, 2 tay xoay vào trong: đặt trẻ ngồi tách 2 chân ra, nâng 2 vai lên, xoay chân tay ra ngoài.
+ Nếu trẻ khó khăn khi ngồi: giữ 2 chân cho trẻ.
+ Trẻ có khả năng thăng bằng kém, hai chân thường bắt ngược ra sau (hình chữ W) để khỏi ngã: không nên khuyến khích trẻ ngồi kiểu hình chữ W do có thể gây biến dạng khớp háng, gối.
+ Nếu trẻ luôn dạng hai chân, mông ưỡn ra sau, khớp vai đưa ra sau, đầu tiên cần đặt trẻ ngồi sao cho thân ở tư thế gập về phía trước, 2 chân chụm vào nhau rồi đưa 2 vai ra trước và xoay vào trong. Sau đó, cùng chơi với trẻ trên bàn, ngồi đối diện với trẻ để trẻ phải với tay ra phía trước lấy đồ chơi. Chú ý đảm bảo để hai bàn chân đặt trên mặt phẳng.
+ Trẻ nhỏ không đặt một vị trí quá 20 phút.
- Cách bế ẵm trẻ:
+ Nếu trẻ thường nằm với tư thế 2 tay co, 2 chân duỗi thì bế sao cho 2 tay duỗi thẳng, 2 gối và háng gập .
+ Nếu trẻ có khả năng kiểm soát tốt hơn thì có thể bế ở tư thế ít cần trợ giúp
- Lẫy và xoay người:
+ Nếu trẻ bị co cứng, phải làm giảm cứng bằng cách đẩy chân trẻ ra sau và ra trước, sau đó giúp trẻ tập xoay người và lẫy.
+ Tìm trò chơi sao cho trẻ muốn xoay người và tự xoay người.
- Vui chơi:
+ Để phát triển nhận thức và vận động.
+ Tăng khả năng tập trung và trí nhớ.
+ Lựa chọn trò chơi phù hợp theo tuổi.
+ Chơi bóng.
+ Âm nhạc.
+ Ghép hình.
- Ăn uống: tập kiểm soát ăn uống.
- Mặc quần áo:
+ Tập mặc quần áo cho trẻ co cứng.
+ Tập mặc quần áo cho trẻ múa vờn.
+ Mặc quần áo cho trẻ thăng bằng kém.
b.Đối với trẻ lớn
- Lượng giá lao động trong tương lai.
- Đối với trẻ liệt bán thân: tập tốt bên liệt.
- Đối với trẻ múa vờn: dùng sự đề kháng để kiểm soát cử động.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

CHĂM SÓC, NUÔI DẠY TRẺ